top-banner-2

Du lịch - Điểm đến Thứ hai, 21/10/2024, 16:26 GMT+7
Du lịch xanh: Du khách trồng cây, nhặt rác, không để lại gì ngoài dấu chân

Những năm gần đây, du lịch tỉnh Phú Yên đã có sự chuyển hướng phát triển du lịch xanh. Các tour du lịch kết hợp trồng cây, nhặt rác hay các cơ sở lưu trú hạn chế dùng đồ nhựa, thay thế bằng các vật liệu tự nhiên cũng dần hình thành.

du-lich-xanh-du-khach-trong-cay-nhat-rac-khong-de-lai-gi-ngoai-dau-chan

Leo núi trải nghiệm kết hợp với nhặt rác - Ảnh nhân vật cung cấp

Theo dự thảo Đề án phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh này ưu tiên phát triển các loại hình du lịch xanh, du lịch sinh thái, gắn với thiên nhiên, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng, doanh nghiệp, khách du lịch đối với công tác bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường trong các hoạt động du lịch.

Du khách vừa tham quan vừa tham gia giữ môi trường xanh

Anh Lê Quý Tài, một hướng dẫn viên du lịch tại Phú Yên, cho hay du lịch xanh đang là hướng đi bền vững. Hiện tại ngoài hướng dẫn khách tham quan, trải nghiệm các điểm đến, anh thường tổ chức các hoạt động như nhặt rác, trồng cây… 

Trong mỗi chuyến hướng dẫn tham quan, anh Tài luôn khuyến khích du khách sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường độ bền bỉ cao, hạn chế mang đồ nhựa.

"Chúng tôi có quan điểm không để lại gì ngoài những dấu chân, không lấy đi gì ngoài những bức ảnh khi đến bất kỳ các điểm tham quan tại Phú Yên" - anh Tài nói.

Chẳng hạn như khi leo núi Đá Bia, du khách đồng hành cùng nhóm hướng dẫn viên tham gia... nhặt rác.

"Ngay từ chân núi, chúng tôi đã bố trí sẵn các túi lưới để đựng rác thải. Hằng tháng, nhóm sẽ đưa số rác này xuống núi để xử lý. Ngoài ra, các hoạt động trồng cây xanh trong mỗi chuyến đi cũng được nhiều du khách hưởng ứng", anh Tài nói.

Rác nhựa sau khi thu gom từ núi Đá Bia, làng chài Phú Thọ (thị xã Đông Hòa), ngoài việc đem đi xử lý, anh Tài cùng các bạn trẻ trong nhóm còn tổ chức làm lồng đèn, đồ chơi tái chế để tặng trẻ em vùng khó. Với anh Tài, ngoài làm du lịch xanh, anh còn muốn kết hợp với du lịch thiện nguyện.

Nhặt rác tại bãi biển - Ảnh NVCC

"Du lịch xanh kết hợp với thiện nguyện không chỉ tạo vòng tuần hoàn cho rác thải, mà còn mang lại ý nghĩa thiết thực cho cộng đồng", chàng hướng dẫn viên trẻ 23 tuổi cho biết.

Rác được thu gom sẽ đem đi tái chế - Ảnh NVCC

Các cơ sở du lịch xanh

Anh Nguyễn Quang Hưng - chủ homestay Xóm Biển (TP Tuy Hòa) - cho hay thay vì cung cấp cho du khách những dây dầu gội hoặc sữa tắm thì ở đây lại đựng trong các chai lọ gốm sứ, thủy tinh. 

Các đồ dùng cá nhân từ lược, bàn chải đánh răng bằng nhựa được thay thế bằng những sản phẩm thân thiện với môi trường.

"Cơ sở lưu trú của tôi bố trí nhiều thùng rác. Rác được phân loại rõ ràng. Rác hữu cơ được dùng để tái chế thành phân bón cho rau củ, hoa trong khuôn viên homestay. Từ khi chuyển sang cách làm du lịch xanh, tôi thấy lượng rác tại cơ sở giảm rõ rệt, du khách cũng rất ý thức trong việc bảo vệ môi trường", anh Hưng nói.

Chị Lê Thị Hoa (31 tuổi, du khách Bình Định) cho hay việc homestay, khách sạn bố trí các thùng phân loại rác theo từng ngăn rất hợp lý, hơn nữa tạo cho du khách thói quen để rác đúng chỗ.

"Ngày nay khách du lịch không chỉ đi và xem nữa mà còn muốn trải nghiệm nhất là việc trồng cây, hái quả hay hòa mình cùng với thiên nhiên. 

Tôi cũng mong rằng ngành du lịch Phú Yên sẽ có những quy định cho khách tham quan các đảo Cù Lao Mái Nhà, Hòn Nưa không mang đồ nhựa dùng một lần, bịch ni lông lên đảo vì họ sử dùng xong vứt ra đó rất mất mỹ quan, trong khi Hội An, Nha Trang... đã có những quy định cụ thể về việc mang đồ nhựa qua đảo", chị Hoa đề nghị.

Mỗi góc homestay Xóm Biển đều bố trí những thùng phân loại rác - Ảnh: MINH CHIẾN

Theo ông Hồ Văn Tiến - chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên - ở Việt Nam hoạt động du lịch gắn với bảo vệ môi trường đang dần được quan tâm. 

Có thể kể đến tỉnh Bến Tre thí điểm tour du lịch mới mang tên "Net Zero tours". Ở mô hình này, du khách được hướng dẫn cách đo lường và tính toán lượng phát thải đã tạo ra trong suốt chuyến trải nghiệm, sau đó cùng thực hiện các hoạt động như trồng cây bần, cây đước… để bù đắp phát thải carbon khi tham gia tour. 

Trước đó một số địa phương cũng có những mô hình tour du lịch kết hợp với nhặt rác như: Hội An có tour khách chèo thuyền kayak nhặt rác trên sông Hoài, Quảng Ninh có tour cho khách nhặt rác ở đảo Cô Tô…

"Tỉnh Phú Yên cũng dần có các sản phẩm thân thiện với môi trường từ chén đĩa bằng lá cây, ống hút gạo… đến các tour du lịch sinh thái. Tuy vẫn còn mới nhưng đã thể hiện sự chuyển dịch sang du lịch xanh của địa phương. 

Cái cần là phải có thêm nhiều sản phẩm du lịch xanh mang tính đặc thù hơn nữa, cũng như phải có các kế hoạch, sự đầu tư của địa phương", ông Tiến nói.

(nguồn: tuoitre.vn)

 

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql

hoa-moc-thien

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau

ong-xinh