top-banner-2

Du lịch - Điểm đến Thứ hai, 09/12/2024, 16:28 GMT+7
Mô hình phát triển du lịch bền vững tại Đài Loan và kinh nghiệm cho Đà Lạt

Để phát triển du lịch bền vững, Đà Lạt cần nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo tồn thiên nhiên và văn hóa địa phương, đồng thời xây dựng thành phố thành điểm đến xanh, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Có những mô hình phát triển du lịch xanh mà Đà Lạt có thể học hỏi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thành phố Đà Lạt, với biệt danh "thành phố ngàn hoa", là điểm đến nổi bật nhờ khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, di sản kiến trúc Pháp, và các lễ hội văn hóa đặc sắc.

Phát triển du lịch bền vững cần gì?

Du lịch bền vững ngày càng nhấn mạnh vào sự cân bằng giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa, với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn hướng đến sự phát triển lâu dài.

Liên Hiệp Quốc xác định ngành du lịch cần chịu trách nhiệm về các khía cạnh này, đặc biệt là trong việc thúc đẩy du lịch ít phát thải carbon và phát triển bền vững.

Du lịch bền vững cũng tập trung vào việc tôn trọng văn hóa xã hội địa phương, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và văn hóa.

Các doanh nghiệp du lịch phải chuyển đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững, bao gồm nâng cấp cơ sở hạ tầng và thay đổi quy trình phục vụ.

Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC) hỗ trợ trong việc thiết lập tiêu chuẩn, đào tạo, và chứng nhận các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động bền vững, cũng như khuyến khích du khách lựa chọn các hình thức du lịch có trách nhiệm. Sự phát triển này không chỉ giúp ngành du lịch đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, mà còn góp phần bảo tồn giá trị văn hóa và thiên nhiên cho thế hệ tương lai.

Nguyên tắc chính của phát triển du lịch bền vững

Vẻ đẹp tự nhiên và khí hậu mát mẻ quanh năm là lợi thế của Đà Lạt - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Năm 2015, Liên Hiệp Quốc đã công bố 17 mục tiêu phát triển bền vững, nhấn mạnh cần cân bằng kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa.

Trong lĩnh vực du lịch, điều này có nghĩa là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa.

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch bền vững nhằm đảm bảo các hoạt động du lịch hiện tại không ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và môi trường.

Các tiêu chí của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu bao gồm quản lý doanh nghiệp, phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ sinh thái và bảo tồn di sản văn hóa, hướng đến một mô hình kinh doanh bền vững và thay đổi nhận thức du khách.

Các biện pháp như giảm phát thải carbon, sử dụng năng lượng tái tạo và quản lý chất thải hiệu quả được khuyến khích, cùng với việc xây dựng chiến lược kinh doanh dựa trên sự tham gia cộng đồng và chứng nhận xanh để nâng cao nhận thức về du lịch bền vững.

Du khách cũng đóng vai trò quan trọng, từ việc sử dụng sản phẩm tái sử dụng đến tham gia các hoạt động có lợi cho cộng đồng. Việc này đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các bên liên quan để thúc đẩy du lịch bền vững, bảo vệ môi trường và duy trì giá trị văn hóa cho các thế hệ tương lai.

Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu cũng xây dựng các tiêu chuẩn và hướng dẫn chi tiết nhằm thúc đẩy du lịch bền vững toàn cầu, bao gồm thiết lập tiêu chuẩn và chứng nhận, đào tạo và nâng cao nhận thức, phát triển thị trường bền vững, và quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Sự tham gia của doanh nghiệp, chính phủ, tổ chức quốc tế, và du khách là cần thiết để thúc đẩy mô hình du lịch bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và xã hội, đồng thời đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội, và bảo vệ môi trường.

Các quy định và kiểm tra chứng nhận công ty du lịch tại Đài Loan

Đài Loan (Trung Quốc) áp dụng tiêu chuẩn N7900 dựa trên ISO 14024 và ISO 14044 nhằm thúc đẩy du lịch thân thiện với môi trường. Các tiêu chí bao gồm sử dụng sản phẩm xanh, tỉ lệ mua sắm từ nguồn bền vững, và du lịch ít carbon.

Hệ thống giám sát chặt chẽ đảm bảo các tiêu chuẩn này được áp dụng đồng bộ (đảm bảo tính nhất quán giữa các chi nhánh), giúp bảo vệ môi trường và nâng cao hình ảnh Đài Loan như một điểm đến bền vững.

Đồng thời, Đài Loan hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua giảm thuế, kỹ thuật và đào tạo để thúc đẩy sự áp dụng các tiêu chuẩn môi trường.

Đài Loan phân loại dấu hiệu du lịch xanh

Hạng vàng: Cấp cho tổ chức thực hiện hầu hết tiêu chí tiên tiến, thể hiện cam kết cao với môi trường.

Hạng bạc: Đáp ứng yêu cầu cơ bản và một số tiêu chí nâng cao.

Hạng đồng: Dành cho tổ chức bắt đầu thực hành du lịch bền vững.

Sự phân cấp này tạo động lực nâng cao tiêu chuẩn và hỗ trợ tiếp thị cho các tổ chức, thu hút khách hàng quan tâm đến môi trường.

Bên cạnh đó, theo quy định giáo dục môi trường, các cơ quan quản lý cấp chứng nhận cho tổ chức và nhân viên giáo dục môi trường. Quy trình gồm đăng ký, kiểm tra và cấp chứng nhận thông qua Viện Nghiên cứu môi trường (NERA). Điều này giúp nâng cao chất lượng giáo dục môi trường và khuyến khích ý thức bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, nhiều khách sạn và nhà hàng tại Đài Loan áp dụng tiêu chuẩn xanh, như sử dụng nguyên liệu địa phương, hạn chế đồ dùng một lần và giảm lãng phí. Cơ quan quản lý môi trường (MOENV) khuyến khích "Ăn uống xanh" góp phần giảm thiểu tác động môi trường, tiết kiệm năng lượng, và cải thiện hình ảnh thương hiệu. Chương trình với hơn 4.000 nhà hàng xanh đã khẳng định nỗ lực toàn diện của Đài Loan trong bảo vệ môi trường và thúc đẩy thói quen tiêu dùng bền vững.

Kinh nghiệm cho sự phát triển du lịch bền vững tại Đà Lạt

Đà Lạt, với vẻ đẹp tự nhiên và khí hậu mát mẻ quanh năm, có tiềm năng trở thành một điểm đến hàng đầu cho du lịch thân thiện với môi trường.

Để thực hiện điều này, thành phố có thể tham khảo mô hình của Đài Loan trong việc triển khai hệ thống chứng nhận các công ty du lịch thân thiện với môi trường, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 14024, ISO 14044 và các tiêu chuẩn của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC).

Các tiêu chuẩn này không chỉ giúp giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn khuyến khích sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bảo tồn văn hóa địa phương.

Việc thực hiện các tiêu chuẩn này đòi hỏi chính quyền Đà Lạt phải xây dựng một hệ thống đánh giá chi tiết và minh bạch.

Hệ thống này cần bao gồm các tiêu chí cụ thể như việc sử dụng sản phẩm xanh tái chế, tiết kiệm năng lượng, quản lý chất thải một cách hiệu quả, và giảm phát thải carbon.

Cụ thể, các công ty có thể bắt đầu bằng việc thay đổi thiết bị sang các loại tiết kiệm năng lượng, cung cấp các dịch vụ không sinh ra rác thải hoặc khuyến khích du khách sử dụng sản phẩm tái sử dụng như chai nước.

Để giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và thực hiện các tiêu chuẩn này, chính quyền Đà Lạt cần phối hợp với các chuyên gia môi trường để phát triển các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật.

Ngoài ra, cần có các chính sách hỗ trợ như giảm thuế hoặc cung cấp tài trợ cho các doanh nghiệp đạt chứng nhận du lịch xanh. Qua đó, các doanh nghiệp không chỉ nâng cao được thương hiệu của mình mà còn thu hút sự chú ý từ du khách quốc tế có ý thức bảo vệ môi trường.

Như vậy, Đà Lạt cần xây dựng hệ thống chứng nhận du lịch bền vững minh bạch, khuyến khích doanh nghiệp tham gia để tạo lợi thế cạnh tranh. Tận dụng sản phẩm nông nghiệp địa phương phát triển du lịch sinh thái và ẩm thực xanh sẽ nâng cao giá trị thương hiệu.

Đồng thời, cần đẩy mạnh triển khai phương tiện giao thông thân thiện với môi trường như xe đạp, xe điện nhằm giảm ô nhiễm. Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá Đà Lạt như một thành phố xanh, điểm đến lý tưởng cho du lịch bền vững tại Việt Nam.

(nguồn: tuoitre.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql2

hoa-moc-thien