Doanh nhân Thanh Xuân – Người phụ nữ 'Thép' |
Không dưng chúng tôi gọi chị với cái tên ấy: Thanh Xuân – Người phụ nữ “Thép”. Đầu năm, chúng tôi ngồi cùng nhau, kể về chị và những gì chị đã làm cho 2017 vừa qua và cho năm mới đang đến. Chị ngồi giữa một đống sách, xung quanh không có một món đồ công nghệ nào, điện thoại tắt chuông, gương mặt giản dị, không trang điểm, khác xa với những hình ảnh lung linh sắc sảo mà mọi người thường thấy. Hiện tại, chị rất thong dong… Kết thúc có trước… Chào chị, trước mắt tôi là một nữ doanh nhân Thanh Xuân khá thong dong so với lời đồn rằng chị siêu bận rộn, vậy không biết chị đã sắp xếp thời gian như thế nào để gặp chúng tôi hôm nay? À, như bạn thấy đó, những ngày đầu năm đâu ai nỡ để mình quá bận, mặc dù tôi luôn luôn có việc cần làm nên làm trong suốt… 15 năm nay, nhưng nhìn tôi người khác luôn nghĩ chắc là nhàn nhã lắm vì tôi ít khi khoe bận rộn. Khi còn bận rộn tôi thấy mình chưa giỏi, thậm chí hơi lập dị (Cười). Lập dị? Sao chị có suy nghĩ này? Thật ra thì tôi rất ngại khi ai đó bảo tôi thành công hay là tấm gương, thần tượng của ai đó. Có lẽ từ sự tôn trọng, yêu quý có phần trầm trồ mà họ gọi tôi thành công. Tôi xấu hổ. Nghe có vẻ lạ, nhưng tôi không cho rằng những điều mình đã làm là tốt nhất để được khen, tôi cũng không có mục đích của người đang chạy đua đạt một thành quả cụ thể hữu hình nào đó, ý tôi nói là vật chất. Tôi chỉ thích nhìn mình, soi mình lúc mình vận động. Tôi thích sự chuyển động của ý tưởng, năng lượng, lòng say mê. Nhưng lại thích có những điều đó bằng sự chậm rãi, mà tôi thì đang thiếu điều này, nên vì thế tôi thấy tôi chưa biết sống cho lắm, hơi lập dị so với trào lưu sống chậm, thiền đạo, tối giản. Vào thời điểm này, nhìn lại 2017 đã qua, chị đã đúc kết được điều đó hay là chị vốn là người luôn tự thấy mình chưa đủ? À, tôi thì luôn thấy mình đủ, tức là tham vọng không đến nỗi sâu không thấy đáy. Biết mình yếu ở đâu, đầy sức sống ở lĩnh vực nào nên tôi biết mình nên dừng ở đâu. Còn năm vừa qua, đó là một năm mà tôi đúc kết được nhiều thứ, một cách đẹp đẽ, trọn vẹn, đầy tính trải nghiệm với những bài học hay. Tân xuân, chị nói về kết thúc? Đây có lẽ là giai đoạn bản lề. Ví dụ, kết thúc một mối quan hệ này để sẽ mở ra một sự kết giao sau đó. Chia tay tình bạn bè, tình thân, hay đồng nghiệp mà có thể nhìn như đó là nỗi buồn nhưng có khi lại nhờ thế mà mình gặp được những nhiệt huyết, trung thành thật sự. Hay doanh nghiệp tôi vận hành có nhiều cái mới, những khó khăn tất nhiên vẫn đang đối mặt mỗi ngày nhưng tiềm năng hứa hẹn luôn hấp dẫn, nó làm cho mình làm việc không mệt mỏi. Hoặc kết thúc một vóc dáng tròn trĩnh vốn dĩ đi theo tôi hơn 10 năm, quay trở lại ngoại hình đầy… lạc quan. À, chị kinh doanh trong lĩnh vực làm đẹp, thương hiệu “Chợ Tình của Boo” không xa lạ gì trong nửa thập kỷ nay, cái tên nghe một lần là nhớ mãi. Theo như tôi nhìn thấy thì hầu như khách hàng tin chị, chị vừa tuyên bố cái gì là khách hàng chi trả ngay, như một tín đồ… Tôi gọi đó là duyên. Tôi không cố gắng trở thành “ambasador” như bạn nói đâu, mà cốt lõi là tôi say sưa với chuyện tìm hiểu cái đẹp, chăm chút, tỉ mẩn, chịu khó cho những gì liên quan đến cái đẹp của người phụ nữ từ tinh thần như giải trí, thưởng thức nghệ thuật, rèn luyện tư duy đến chuyện ngoại hình. Tôi khuyến khích chị em yêu quý bản thân như yêu người bên cạnh. Thực hiện các phương pháp làm mình đẹp đẽ hơn như một cảm hứng có sẵn, không áp lực, đau khổ mà… hạnh phúc nữa đó nhé! (Cười) Khi đã được truyền cảm hứng, thì chúng tôi tin nhau bất chấp, khi có gì hay ho là chúng tôi chia sẻ và tôi đến với “khách hàng” trước tiên là chia sẻ, sự chân thật, họ tin vào sự chân thật từ lúc bắt đầu chứ không phải tin vào người bán hàng tài ba. Với người quen trong nghề, khi nhận xét về khả năng kinh doanh của chị, người ấy tóm gọn “Thanh Xuân có thể bán bất cứ thứ gì kể cả không khí”, vì chị rất nhiều lần cho mạng xã hội thấy, chị bán cái mà khách hàng chưa cầm nắm, chưa nhìn thấy hình ảnh, thậm chí còn chưa biết nó có trên đời trước đó. Chị có thủ thuật gì chăng? Chân thành, uy tín. Chỉ cần cho đi sự chân thành và gửi gắm niềm tin nơi khách hàng như vậy mọi người sẽ đáp lại tình cảm đó. Được biết, chị còn tham gia viết lách, làm báo và điều hành một Quỹ từ thiện với những hoạt động không liên quan gì đến thương mại như thế, chị bắt đầu vì điều gì? Thật ra, tôi rất… nữ tính, nhưng trong công việc tôi lại “mang tiếng” là như-đàn-ông. Dù sao thì tôi cũng thích tôi nữ tính, có chút gì đó bồng bột, hơi thiếu tự chủ chút cho nó bình thường (cười lớn). Bên cạnh đó, tôi rất thích công việc cộng đồng, nhiều lúc tôi còn hơi sa đà nữa kìa, những hoạt động đó cho tôi nhiều cảm hứng. Tôi nghĩ đó cũng là thái độ sống, mang đến điều gì đó cho xung quanh, ít tính toán, đôi khi phiền lòng vì không được hiệu quả như mong muốn, hoặc có khi làm mình tốn kém. Tôi bị các anh chị cộng sự nhắc nhở hoài đấy chứ. Tôi cũng nguỵ biện hoài, tôi đã chứng mình cho cộng sự tôi thấy rằng hành động nhân ái sẽ lan toả được các tần số nên các đối tác vì thế cũng đến với tôi thuận lợi hơn. Tất nhiên khi bắt đầu bằng sự hồn nhiên, cảm tính tôi không hình dung được giá trị của những việc làm tích cực lại to lớn đến thế. Làm thiện nguyện, nếu không vô tư thì sẽ vụ lợi, nhưng nếu không tính toán thì vô tình bất cẩn để mình rơi vào những rắc rối không đáng có. Chị có nghĩ vậy không? Đúng rồi, những hệ luỵ từ những “tấm gương xấu” đã ít nhiều bị đổ đồng và chữ “từ thiện” cũng bị lạm dụng, phương tiện và mang tính lợi ích. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn, tập đoàn thế giới, các thương hiệu toàn cầu đều luôn ý thức xây dựng cho tổ chức của mình một “công việc” đầy tính trách nhiệm. Khái niệm CSR - viết tắt của cụm từ Corporate social responsibility được dịch là Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, là cam kết của doanh nghiệp đối với đạo đức kinh doanh và đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động và gia đình họ, cộng đồng địa phương và xã hội nói chung. Người ta đặt CSR rất nhiều nhiệm vụ, có thể là phương tiện truyền thông, có thể là công cụ thúc đẩy hoạt động thương mại. Tôi có thể sử dụng đội ngũ nhân viên giao hàng là những người khuyết tật đôi chân, họ dùng xe có 2 bánh phụ 2 bên để giao, hoặc mở một nhà xưởng đóng gói sản phẩm là những người khiếm thính, hoặc một nhà hàng chay mà nhân viên phục vụ là những người Quỹ từ thiện của tôi bảo trợ tài chánh cho họ đi học. Chẳng phải quyền lợi win-win tất cả đều có là gì. Nếu mình cứ giãy nảy lên sợ hãi từ “phải tính toán” khi chạm đến vấn đề từ thiện thì thật sự mình không đủ thẳng thắn. Điều chị chia sẻ quả là không hề… nữ tính, chị có một ngày như thế nào nhỉ, một ngày bình thường? À, tôi dậy từ tinh mơ, tập vài động tác thể dục. Mỗi đêm tôi ngủ khoảng 6 tiếng, tôi sợ ngủ nhiều thì mình chiếm mất thời gian để sống (cười). Sau đó có khi lại ngủ tiếp, trong yoga có khái niệm ngủ tiếp sau các buổi tập đấy ạ. Nếu không quá bận thì đưa con đến trường, đến công ty và ở đó cho đến khi mặt trời lặn. Xen kẽ vào những giờ tưởng như kín mít lịch thì tôi vẫn xem phim, đọc sách khá thường xuyên, đi đây đó, gìn giữ các mối quan hệ bằng các cuộc gặp gỡ, gỡ những rối rắm trong quan hệ hợp tác và loay hoay… chữa lành các vết thương tự gây ra. Phụ nữ kinh doanh, gánh vác nhiều trách nhiệm, giữa thời buổi kinh tế thị trường khó khăn, chị luôn căng não để kiểm soát với một trái tim nhạy cảm, viết văn làm thơ rất tâm trạng, đời sống tinh thần dạt dào… Chị có thấy mình thiệt thòi không? Đơn nhiên là không, tôi thấy đó là lợi ích đó chứ. Tôi thích sự uỷ mị đôi khi khá buồn cười của mình, như nữ giám đốc người ta là giấu biệt đi chứ không là nhân viên chúng nó cười, còn tôi cứ “thiên nhiên” không giả vờ che giấu làm gì. Chất xúc tác để tôi tự giúp mình đứng lên với những quyết định đã từng sai lầm trong kinh doanh, phân tích các bài học bằng ngôn ngữ phong phú, rồi tự giúp mình vượt qua nó bằng sự lãng mạn, rồi cố gắng tiếp bằng niềm tin rực rỡ, mọi thứ sẽ ổn. Trong một bộ phim gần đây tôi xem, có một câu nói làm tôi thấy rất “khớp lệnh” với mình: Giữa đúng và tử tế, hãy chọn tử tế. Tất nhiên không phải sai quấy thì mình cũng bao che tử tế, nhưng sự tử tế sẽ giúp tôi hành xử không máu lạnh, nhất là vấn đề nhân sự. Doanh nghiệp nào, tổ chức nào cũng gặp vấn đề phản trắc, vì lợi ích cá nhân quên đi quá trình ân nghĩa trước đó, sự lười nhác vô trách nhiệm, hoặc hành xử vô trách nhiệm với tổ chức,… Nếu là doanh nhân có cái đầu thép tôi có các trưởng phòng biết làm việc đó thay tôi, còn nếu để diễn tiến đó trở nên nhân văn hơn, tôi dùng sự nhạy cảm để phân tích, như một sự tuần hoàn. Cần có cái xấu hiển thị thì cái tốt từ đấy mới có cơ hội mạnh mẽ hơn. Những ngày đầu năm, tôi thấy mình có thể tự hào về những thành quả lẫn bài học làm mình ngày càng giàu có hơn. Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị!
Story by: Văn Minh Stylist: Harry Nguyễn Bình Yên - Photographer: Alex Cui Makeup: Eric Nguyễn - Hair stylist: Tài Phạm Costume: Aodai de Boo by Trương Minh Nghĩa, Áo dài Minh Châu Theo Ấn phẩm Kết nối Doanh nhân tháng 2/2018 Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|