top-banner-2

Vì cộng đồng Thứ hai, 17/02/2014, 00:18 GMT+7
Hành trình chông gai của Bảo tàng Áo dài

Nhà thiết kế thời trang Sĩ Hoàng tin rằng mọi người sẽ chú ý và chung tay “nuôi nấng” Bảo tàng Áo dài

Dù chưa được nhiều du khách tham quan nhưng Bảo tàng Áo dài do nhà thiết kế thời trang Sĩ Hoàng đầu tư xây dựng trải qua 12 năm đầy khó khăn đã đi vào hoạt động phục vụ công chúng từ ngày 22-1. Đây là một trong những bảo tàng tư nhân ít ỏi ở TP HCM.

Hấp dẫn và ý nghĩa

Bảo tàng Áo dài mở cửa đón khách với 36 bộ áo quý, trong đó có áo dài tứ thân thế kỷ XVII, áo dài năm thân thế kỷ XVIII, áo dài vương triều nhà Nguyễn thế kỷ XIX, áo dài của những người phụ nữ Việt nổi tiếng...

Trong đó, chiếc áo dài Le Mur đã có phần mục nát là một trong những hiện vật đặc biệt nhất bởi đó là kỷ vật tình yêu của một đôi vợ chồng từ năm 1940 và từng được chôn giấu qua chiến tranh loạn lạc. Sĩ Hoàng lý giải: “Chiếc áo này quý vì thứ nhất nó nói lên tình nghĩa phu thê gắn bó; thứ hai là vào thời điểm đó đây là áo chuyển từ áo dài truyền thống sang áo dài hiện đại theo mẫu của ông Nguyễn Cát Tường, thay vì mặc áo dài rộng thì áo dài mới bắt đầu khoe được nét đẹp cơ thể phụ nữ. Đây là cột mốc vô cùng quan trọng trong toàn bộ lịch sử phát triển của áo dài Việt Nam”.


Một góc phòng trưng bày áo dài

Từ một chuyện xảy ra cách đây 5 năm, nhà thiết kế Sĩ Hoàng quyết tâm làm cho bằng được Bảo tàng Áo dài. Anh kể: “Khi tôi đến Tokyo - Nhật Bản nhân kỷ niệm 35 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, tại Bảo tàng Kimono có tổ chức cuộc triển lãm chuyên đề lịch sử Trung Quốc. Trong hệ thống họ trưng bày có một chiếc áo dài Việt Nam 100%, nghĩa là họ đã biến áo dài thành trang phục cận hiện đại của họ. Tiếc thay, trong bảo tàng đó không cho phép chụp hình nên tôi không chụp được bằng chứng song lúc đó có bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TP HCM (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM), cùng chứng kiến. Sự việc khiến cả hai chị em đau đáu mãi nên tôi quyết tâm cho ra đời bảo tàng, còn chị khích lệ tôi về mặt tinh thần”.

Tọa lạc trong không gian xanh mát của khu nhà vườn Tân Thuận, Bảo tàng Áo dài hấp dẫn khách tham quan không chỉ nhờ hiện vật mà còn bởi nét thuần Việt của cảnh vườn ao, ruộng lúa, khu gốm sứ lưu niệm và trưng bày làm hoàn toàn bằng gỗ. Nhìn cảnh quan bảo tàng hiện nay, thật khó tưởng tượng 12 năm trước đây khu đất này chỉ là một cù lao tách biệt trong một vùng đất hoang sơ không cầu đường, không điện nước .

Gian nan, công phu, tốn kém

Sau 4 năm viết đề cương, dự án Bảo tàng Áo dài được bắt tay xây dựng từ năm 2002 trên một vùng đất “khỉ ho cò gáy” trong điều kiện chủ trương và luật của nhà nước cho phép thành lập những bảo tàng tư nhân. Sĩ Hoàng hồi tưởng về những khó khăn ban đầu: “Muốn xây dựng bảo tàng, cần một diện tích đất rộng, mà đất rộng thì chỉ có đất ruộng thôi. Hơn nữa, bảo tàng cần một nơi có hệ sinh thái sông rạch và cảnh quan đủ tạo nên một không gian văn hóa Việt”. Đó cũng là lý do anh chọn khu đất rộng lớn chưa được khai thác sử dụng ở phường Long Phước, quận 9 của TPHCM. Thủ tục chuyển từ đất ruộng sang đất vườn, đất thổ cư rồi sang đất dự án tốn rất nhiều thời gian.

Điều kiện cần tiếp theo là hiện vật, nhưng không phải cứ xin là được. Do hoàn cảnh lịch sử như chiến tranh hoặc qua quá trình thanh lý đồ cũ nên rất ít gia đình còn giữ lại được những chiếc áo xưa, huống gì vải vóc là hiện vật dễ bị hủy hoại bởi thời gian. Ngay cả khi tìm được hiện vật rồi, để thuyết phục người có hiện vật cho hoặc sang nhượng lại cũng phải mất nhiều năm.

Có hiện vật và đất rồi, tất cả phải ở trong một không gian đòi hỏi đạt tiêu chuẩn bảo tàng về độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ. Sĩ Hoàng giải thích: “Xây nhà kiểu hiện đại thì quá dễ nhưng tôi muốn áo dài phải được trưng bày trong một không gian thuần Việt, bao gồm cảnh quan, kiến trúc nội thất. Mà kiến trúc của người Việt là nhà rường gỗ thì lại hở vì đó là kiến trúc nhà xứ nhiệt đới ẩm. Do đó, bài toán về độ ẩm, độ kín và đuổi côn trùng cũng là cả một quá trình nghiên cứu tìm hiểu”.

Để đuổi côn trùng, Sĩ Hoàng cho sử dụng hạt đinh hương theo đúng quy chuẩn bảo tàng cho hiện vật bằng vải thay cho long não nhưng hạt này dùng một thời gian ngắn là bay hơi hết nên phải thường xuyên mua để thay với cái giá không hề rẻ: 400.000 đồng/kg. Chưa kể ban ngày bảo tàng phải bật máy lạnh cho vải mát, ban đêm lại phải bật máy sưởi cho khô để bảo đảm độ ẩm. Thế nên, chi phí cho công tác duy tu, bảo trì hiện vật tưởng chừng rất đơn giản này lại khá tốn kém.

Sau ngày khánh thành, ông chủ của bảo tàng vẫn tiếp tục tìm kiếm hiện vật và mở rộng các dịch vụ bổ trợ như Café Áo dài, Thư viện Áo dài, khu trải nghiệm… để du khách đến không chỉ tham quan mà còn có thể giải trí, thư giãn. Sĩ Hoàng tâm sự: “Dù ban đầu “đứa con” này còn nhiều vấn đề, không như ý muốn nhưng thấy nó dễ thương, xinh xắn, tôi tin rồi mọi người sẽ chú ý và chung tay nuôi nấng”.

Sẽ trường tồn

Cũng như các bảo tàng lớn khác, Bảo tàng Áo dài chắc chắn cũng phải đối mặt với nguy cơ “ế khách”, nhất là khi bảo tàng này cách trung tâm TP HCM đến 20 km. Bản thân Sĩ Hoàng cũng hiểu rõ điều này nhưng anh vẫn tin rằng bảo tàng mở ra sẽ trường tồn, còn phát triển nhanh hay chậm là do yêu cầu của mỗi thời kỳ khác nhau. Anh chia sẻ: “Thành phố quy hoạch quận 7 xong rồi thì tới quận 9. Trước đây 20 năm, quận 7 cũng là đầm lầy, giờ đã là thành phố mới. Nay đã có chuyến xe buýt số 88, tôi hy vọng bảo tàng sẽ được đơn vị chủ quản bổ sung vào các điểm dừng của tuyến đường xe buýt xuống đây. Tôi cũng mong bảo tàng sẽ được các công ty du lịch và trường học quan tâm hơn vì áo dài là tình yêu chung của cả dân tộc và đất nước”.

Theo NLĐO


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql

hoa-moc-thien

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau

metro-sai-gon