Mãn kinh sớm, đừng chủ quan |
Đa số phụ nữ mãn kinh trong giai đoạn từ 48 - 55 tuổi. Thế nhưng, không ít chị em lại mãn kinh khi mới ở tuổi tứ tuần. Theo Bệnh viện Phụ sản trung ương, phụ nữ có thể suy giảm nội tiết tố nữ bắt đầu khoảng từ tuổi 37- Ảnh: BVCC Việc mãn kinh sớm tưởng chừng sẽ không còn gây điều "phiền toái" mỗi tháng cho chị em, nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe. Trên các hội nhóm về rối loạn nội tiết, tiền mãn kinh, mãn kinh, rất nhiều chị em chia sẻ "nỗi khổ" khi chưa qua 40 tuổi đã có những triệu chứng âm đạo khô hạn, mất kinh nguyệt, người dễ bốc hỏa, tóc rụng, da khô, nám..., bước sang giai đoạn tiền mãn kinh. Bỗng dưng "mãn kinh" Ở tuổi 36, chị T.P. chia sẻ mình bị gián đoạn kinh nguyệt hơn bảy tháng qua. Lo lắng, chị đã uống thuốc điều hòa kinh nguyệt nhưng vẫn chưa thấy chu kỳ mới đến. "Có phải mình đã bước sang giai đoạn tiền mãn kinh rồi không ạ? Có ai ở độ tuổi như em đã tiền mãn kinh không", chị T.P. hỏi. Éo le hơn, chị B.H.P. (36 tuổi) chưa có con nhưng đã bị nội tiết kém, bước sang giai đoạn tiền mãn kinh, chỉ số AMH (số tế bào nang noãn có trong buồng trứng hay độ dự trữ buồng trứng) chỉ còn 0,8. "Liệu em còn cơ hội có con của chính mình được không", chị P. lo lắng. Cũng vừa bước qua tuổi 35, chị H. (Hà Nội) tưởng chừng mình sắp vào độ tuổi "hồi xuân" khi con cái lớn hơn, kinh tế cũng ổn định. Một ngày, bất ngờ khi "chị nguyệt" không còn ghé thăm như lịch hằng tháng. Sau khi kiểm tra, chị H. không hề mang thai mà là không còn kinh nguyệt. "Tôi khá bất ngờ nhưng cũng vui vì bình thường đến tháng tôi đau bụng và rất khó chịu", chị H. chia sẻ. Tưởng chừng hết đau bụng khiến chị H. dễ chịu hơn, thế nhưng chuyện mãn kinh lại không như vậy. Sau gần một năm mãn kinh, chị phải tìm đến bác sĩ nhờ tư vấn bởi những cơn bốc hỏa, cáu gắt và khó khăn trong chuyện chăn gối. Dù đã sử dụng thực phẩm chức năng để "vớt vát" nhưng không hiệu quả. Theo thống kê, có khoảng 3% phụ nữ xuất hiện mãn kinh trước tuổi 40. Mãn kinh sớm gặp trong 10% các trường hợp vô kinh và chiếm 1% các nguyên nhân gây vô sinh. Nguy cơ của một người nữ liên quan đến suy buồng trứng sớm có thể rất cao nếu trong gia đình có người bị suy buồng trứng sớm. Nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi - nguyên phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) - cho hay tiền mãn kinh là giai đoạn hoạt động của buồng trứng bắt đầu suy giảm, có những triệu chứng lâm sàng trước khi chuyển sang giai đoạn mãn kinh hoàn toàn. Thời kỳ tiền mãn kinh thường xuất hiện vào độ tuổi 45, nhưng cũng có khi bắt đầu ở độ tuổi sớm hơn 38 - 40. Mãn kinh không phải là bệnh mà là quá trình lão hóa tự nhiên do hiện tượng suy giảm dần dần, sau đó sẽ không còn estrogen mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng phải trải qua. Mãn kinh được xác định khi phụ nữ không có kinh nguyệt trong vòng 12 tháng liên tục ở những phụ nữ vốn dĩ có kinh đều. Nguyên nhân tiền mãn kinh sớm có thể do tự nhiên, hoặc do các can thiệp y khoa. Với những người mãn kinh sớm mà chưa có con, ngoài nguy cơ vô sinh, chất lượng sống của họ bị giảm sút do thiếu hụt nội tiết, dễ bị loãng xương, tim mạch, rơi vào trầm cảm, giảm ham muốn tình dục, giao hợp đau rát, rối loạn chức năng sàn chậu... Bác sĩ Mỹ Nhi nhấn mạnh điều trị cho nhóm bệnh nhân trẻ tuổi bị tiền mãn kinh, mãn kinh là rất quan trọng, bởi cuộc đời phụ nữ không chỉ là mang thai, sinh con, mà cần phải đảm bảo có một cuộc sống vui, khỏe, chất lượng. "Phụ nữ trong độ tuổi còn trẻ từ 20-40 tuổi nếu xảy ra tình trạng mất kinh cần đi khám bệnh sớm để tìm nguyên nhân, điều trị kịp thời. Một số bệnh có thể dễ lầm tưởng mãn kinh sớm như hội chứng buồng trứng đa nang gây tình trạng vô kinh, hoặc một số biến cố sau sinh cũng có thể gây suy buồng trứng. Để chẩn đoán chính xác cần khám, xét nghiệm để tìm nguyên nhân thực sự" - bác sĩ khuyến cáo. Điều trị mãn kinh sớm thế nào? Theo bác sĩ Phan Chí Thành, chánh văn phòng Trung tâm đào tạo, Bệnh viện Phụ sản trung ương, hiện nay liệu pháp hormone đang được sử dụng để điều trị các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh, đặc biệt là mãn kinh sớm. Bằng cách dùng một số loại nội tiết tố nữ, thường là estrogen và progesterone, đôi khi là bổ sung thêm cả nội tiết tố nam testosterone. Theo bác sĩ Thành, phụ nữ mãn kinh ở độ tuổi bình thường thực hiện liệu pháp hormone với mục tiêu kiểm soát các triệu chứng mãn kinh, chẳng hạn như bốc hỏa hoặc thay đổi tâm trạng. Việc đưa hormone của buồng trứng vào cơ thể cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim, bảo vệ nhận thức và giảm thiểu tình trạng khô âm đạo. Điều quan trọng hơn hết là liệu pháp này cũng rất quan trọng để ngăn ngừa mất xương ở phụ nữ mãn kinh quá sớm. "Ở phụ nữ mãn kinh sớm hoặc quá sớm, có thể cần liều lượng estrogen cao hơn để điều trị triệu chứng và giảm các nguy cơ liên quan đến việc không có estrogen, so với liều lượng cần thiết ở phụ nữ mãn kinh tự nhiên. Hầu hết các bác sĩ đều khuyên phụ nữ mãn kinh sớm hoặc quá sớm nên thực hiện liệu pháp hormone cho đến ít nhất là tuổi mãn kinh tự nhiên khoảng 51 tuổi", bác sĩ Thành nói. Đối với phụ nữ mãn kinh tự nhiên, việc sử dụng liệu pháp hormone là cần thiết, nhưng họ có thể lựa chọn giữa việc điều trị hay không điều trị. Còn những phụ nữ mắc bệnh mãn kinh sớm thì điều trị bằng liệu pháp này là rất cần thiết. Khi mãn kinh sớm nội tiết tố trong cơ thể nữ giới thiếu hụt nghiêm trọng, dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như tim mạch, đột quỵ, ung thư... Tuy nhiên liệu pháp này như con dao hai lưỡi, có thể tiềm ẩn một số nguy cơ như quá sản niêm mạc tử cung, ung thư niêm mạc tử cung nếu không được theo dõi kiểm soát tốt, có hỏi ý kiến bác sĩ và theo dõi nếu sử dụng. (Nguồn: Tuoitre.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|