Hàng không kêu có tiền cũng khó thuê máy bay |
Hiện có nhiều quy định khiến doanh nghiệp hàng không dù có tiền cũng khó thuê thêm máy bay. Thông tin trên được ông Lê Tiến Dũng - Phó Tổng Giám đốc Vietravel Airlines (VU) nêu tại hội thảo "Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?" do Báo Thanh niên tổ chức sáng 17/5. Cụ thể quy định hiện nay chỉ cho phép mỗi hãng được 30% là thuê ướt máy bay bổ sung. Như VU hiện có 3 máy bay, muốn thuê thêm cũng chỉ được 1 máy bay. Đây là điểm cản trở khi VU muốn thuê thêm tàu để tăng tải, tăng cung ứng vào giai đoạn cao điểm. Trước đó, lãnh đạo Vietnam Airlines từng cho biết giá thuê máy bay hiện rất đắt đỏ. Giá "thuê khô" trung bình đã tăng 20 - 30% so với thị trường trước và ngay sau đại dịch COVID-19. Còn đối với máy bay "thuê ướt" thì mức giá tối thiểu tăng gấp đôi so với giai đoạn cao điểm Tết Giáp Thìn vừa qua do số lượng máy bay trên hạn chế. Bamboo Airways thì dự kiến phải chịu khoản lỗ khá lớn để có thể thuê thêm 2 máy bay tăng tải cho cao điểm hè. Hàng không kêu khó thuê máy bay. (Ảnh minh họa: VU) Trong khi đó, nói về giá vé máy bay thời gian vừa qua, ông Dũng thừa nhận giá từ đầu năm đến nay có tăng nhưng điều này không giúp các hãng hàng không có bước đột phá trong giai đoạn hồi phục mà hầu hết hiện nay vẫn rất khó khăn. Lãnh đạo Vietravel Airlines thông tin, hãng hiện phải đối diện với thách thức lớn từ giá nhiên liệu tăng rất cao. Giá nhiên liệu tăng 1 USD kéo theo chi phí tăng khoảng 10%. Cùng với đó, tỷ giá biến động mạnh, trong khi 70 - 75% cơ cấu tổng chi phí của hàng không là chi trả bằng ngoại tệ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chi phí đầu vào của các hãng nói chung cũng như VU nói riêng. Chưa kể, giá vật tư, phụ tùng máy bay... thời gian qua đều tăng. Đồng quan điểm, ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines (VNA) lý giải nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng là do chi phí nhiên liệu, thiết bị bay tăng 76 - 77%. Các khoản chi phí này nằm ngoài tầm kiểm soát của các hãng hàng không. Ví dụ với xăng, so với năm 2019 mặt hàng giá xăng năm nay tăng 5.700 tỷ đồng và chi phí tỷ giá biến động tăng thêm 4.700 tỷ đồng. Tổng mức tăng do chi phí nhiên liệu lên tới khoảng 11.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các xung đột địa chính trị, chuỗi cung ứng đứt gãy cũng khiến phát sinh nhiều vấn đề và chi phí. Cụ thể như trước đây, để sửa chữa bảo hành một chiếc máy bay mất khoảng 150 ngày thì hiện tại đến 200-300 ngày, thậm chí đến 1-1,5 năm. Thời gian bảo trì kéo dài khiến chi phí vận hành cũng tăng cao. "Hiện tại, ngành hàng không thế giới và Việt Nam chỉ lãi khoảng 1 USD/khách. Nếu gặp các yếu tố thời tiết bất lợi như mưa giông, phải bay vòng một chút thì lợi nhuận trên cũng bay theo", ông Tuấn nói. Mới đây, Cục Hàng không đã có báo cáo gửi Bộ GTVT về kết quả kiểm tra phản ánh giá vé máy bay tăng cao trong dịp lễ 30/4-1/5 vừa qua. Theo đó, qua kiểm tra các hãng hàng không có nhiều mức giá khác nhau song không vượt mức tối đa theo quy định. Mặc dù vậy, trong giai đoạn từ ngày 1/1 - 30/4, mức giá vé hạng phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa của các hãng về cơ bản đều tăng so với năm 2023. Trong đó với 3 đường bay trục (gồm: Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đà Nẵng và TP.HCM - Đà Nẵng). Đặc biệt, giá vé trung bình của các hãng tại 3 chặng trên đều tăng lần lượt ở mức Viet Nam Airlines (19,9%; 28,4% và 14,9%), VietJet Air (17,9%; 39,9% và 27%), Bamboo Airway (2,1%; 24,4% và 22,5%), Viettravel Airlines (10,2%; 17,7% và 18,6%). Dù cơ cấu giá vé bán ra của các hãng vẫn ở phân khúc giá thấp và trung bình (từ 60% đến 70% số lượng vé bán ra), song có những đường bay ghi nhận gia tăng cao về tỷ lệ với các phân khúc giá trung bình và thấp. (Nguồn: Vtc.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|