top-banner-2

Cẩm nang Kinh doanh Thứ sáu, 22/03/2024, 16:09 GMT+7
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hà Lan: Tìm giải pháp cho nông nghiệp xanh, quản lý nguồn nước

Ngày 21-3, doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan ký kết 18 thỏa thuận thuộc nhiều lĩnh vực với mục tiêu phục vụ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. 

Doanh nghiệp trưng bày sản phẩm, dịch vụ tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hà Lan khu vực ĐBSCL, TP.HCM, ngày 21-3 - Ảnh: NGUYÊN HẠNH

Doanh nghiệp trưng bày sản phẩm, dịch vụ tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hà Lan khu vực ĐBSCL, TP.HCM, ngày 21-3 - Ảnh: NGUYÊN HẠNH

Buổi ký kết thỏa thuận diễn ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hà Lan khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức ở TP.HCM. Diễn đàn là một phần trong chuỗi các hoạt động tại Việt Nam của phái đoàn hợp tác kinh tế, thương mại Hà Lan.

Hướng tới nông nghiệp xanh

Theo Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, phái đoàn doanh nghiệp Hà Lan gồm 140 đại diện đến từ 70 công ty và tổ chức. Đây có thể coi là cột mốc mới trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Các lĩnh vực trọng tâm của đoàn là công nghệ về nước và quản lý nước, nông nghiệp thực phẩm canh tác, logistics xanh và thông minh.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Chính phủ Việt Nam đã có nghị quyết 120 về phát triển ĐBSCL bền vững, trong đó có thành lập ban điều phối liên quan tất cả các lĩnh vực tại ĐBSCL. Việt Nam xem ĐBSCL là vùng nông nghiệp trọng điểm vì khu vực này chiếm 56% sản lượng lúa gạo, 70% lượng thủy sản và 64% lượng trái cây cả nước.

Phát biểu tại sự kiện ngày 21-3, ông Mark Harbers - bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan - đánh giá Việt Nam và Hà Lan có nhiều thách thức và cơ hội giống nhau. Tuy có sự khác biệt về quy mô và mức độ phức tạp của các vấn đề, song cả hai nước đều có vùng đồng bằng rộng lớn với hệ thống sông ngòi chằng chịt.

"Ở khía cạnh đó, chúng ta đối mặt với những thách thức giống nhau. Ví như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến mực nước biển dâng lên hay vấn đề xâm nhập mặn, sụt lún. Ngoài ra còn có ảnh hưởng từ quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa", ông Mark Harbers nói.

Đồng tình với ông Harbers, bà Christianne van der Wal-Zeggelink - bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm Hà Lan - đánh giá Việt Nam và Hà Lan có rất nhiều cơ hội hợp tác để ứng dụng các giải pháp tiên tiến, phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững.

Theo bà Wal- Zeggelink, các giải pháp dựa vào thiên nhiên đang được chú trọng. Bà cho biết theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), khoảng 44.000 tỉ USD giá trị kinh tế toàn cầu đang phụ thuộc vào thiên nhiên. Bà nhấn mạnh con số này bằng một nửa GDP toàn cầu.

Ngoài ra, theo bà Wal-Zeggelink, một trong những giải pháp ý nghĩa hiện nay đang được Hà Lan chú trọng là tạo ra các loại hạt giống có sức chống chịu tốt, áp dụng cách tiếp cận có hệ thống nhằm tạo ra sự chuyển đổi bền vững trong hệ sinh thái, giảm lượng hóa chất nông nghiệp và sử dụng các loài thiên địch thay vì thuốc trừ sâu.

Các giải pháp dựa vào thiên nhiên là phương pháp tốt để tích hợp sản xuất lương thực với thiên nhiên. Ví như việc kết hợp trồng lại rừng ngập mặn với sản xuất tôm bền vững, hỗ trợ sinh kế cho các hộ sản xuất nhỏ, chống biến đổi khí hậu nhằm cải thiện chất lượng nước và tăng đa dạng sinh học.

Bà Christianne van der Wal-Zeggelink (bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm Hà Lan)

Hợp tác quản lý nguồn nước

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Harbers cho biết Hà Lan có hơn 800 năm kinh nghiệm trong quản lý nước. Việc hợp tác và tìm kiếm các giải pháp tích hợp là những yếu tố then chốt trong ADN của Hà Lan, người dân Hà Lan cũng như trong chiến lược của quốc gia này.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Tjitte A. Nauta, quản lý khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Viện nghiên cứu Deltares, nhận định những vấn đề ở Việt Nam ít nhiều cũng giống các vấn đề ở những nơi khác trên thế giới. Chẳng hạn, sự phát triển kinh tế nhanh chóng, sự gia tăng dân số, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và tất cả các biến số trong tương lai. "Đây là những vấn đề chúng tôi đã hợp tác cùng các đối tác Việt Nam để tìm ra giải pháp trong vài năm qua", ông Nauta nói.

Khi được hỏi về các giải pháp quản lý nguồn nước mà Hà Lan đã ứng dụng, ông Nauta cho biết có nhiều giải pháp khác nhau, tùy theo từng khu vực ven sông, ven biển hay đô thị. Lấy ví dụ về khu vực ven sông, ông Nauta chỉ ra người dân có xu hướng sống gần các dòng sông, các khu vực thường là vùng ngập lũ. Điều này khiến rủi ro ngập lụt cao hơn.

"Đó là lý do Hà Lan khởi động chương trình Room for the River (Không gian cho sông ngòi). Với chương trình này, chúng tôi xem xét lại các lưu vực của mình, tìm kiếm nơi có thể tạo thêm không gian cho dòng nước. Việt Nam cũng nên cân nhắc vấn đề này trong bối cảnh các chuyển biến ở mảng nông nghiệp và năng lượng có thể làm thay đổi cảnh quan", ông Nauta lưu ý.

Cũng chia sẻ về dự án Room for the River, ông Harbers cho biết Chính phủ Hà Lan đã làm việc cùng nông dân và các tổ chức môi trường để tìm cách hợp tác với thiên nhiên.

Ông Harbers đánh giá Hà Lan và Việt Nam đang đối mặt với nhiều thử thách trong việc quản lý nguồn nước. Ngoài các vấn đề về kỹ thuật, ông chỉ ra việc quản lý nguồn nước cũng đòi hỏi khả năng quản trị và các tổ chức Hà Lan đã làm việc rất tích cực với Việt Nam để cung cấp thông tin và lời khuyên trong lĩnh vực này.

(Nguồn: Tuoitre.vn) 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql

hoa-moc-thien

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau

metro-sai-gon