'Bệ phóng' cho thương hiệu nông sản |
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân từ quy mô nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung, chuyên môn hóa. Đặc biệt, chương trình đã góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị nông sản địa phương. HTX xây dựng thương hiệu Với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng thuận lợi, cùng sự cần cù lao động của người dân, những năm qua, chính quyền huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) đã lựa chọn cây lạc là để trở thành cây nông sản hàng hóa chủ lực của địa phương. Theo thống kê, huyện Chiêm Hóa hiện có trên 2.700 ha lạc, sản lượng hàng năm trên 8.500 tấn; giá trị sản xuất đạt trên 150 tỷ đồng. Các vùng trồng lạc tập trung lớn ở các xã Phúc Sơn, Minh Quang, Tân Mỹ, Hùng Mỹ, Xuân Quang. Ông Chẩu Văn Học, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết, xã Phúc Sơn là xã đặc biệt khó khăn 135. Toàn xã hiện có hơn 7.800 người với 4 dân tộc sinh sống, trong đó chủ yếu là người Tày, Dao, Mông và số ít dân tộc Kinh. Lạc là cây chủ lực giảm nghèo ở Phúc Sơn. Lạc là cây trồng được xác định là một trọng những cây hàng hóa chủ lực của địa phương. Toàn huyện Chiêm Hóa có hơn 2.700 ha thì riêng xã Phúc Sơn có hơn 700 ha. Để đạt được mục tiêu đề ra, Đảng ủy, chính quyền xã đã triển khai nhiều biện pháp lãnh đạo nâng cao năng suất, sản lượng loại cây trồng này. “Xã đã thực hiện chọn lọc, nhân giống lạc thuần chủng, tổ chức cho một số hộ trồng lạc tiêu biểu đi học tập kinh nghiệm sản xuất lạc ở một số tỉnh như Bắc Giang, Hà Tĩnh. Đây là cơ sở để Đảng bộ xã chỉ đạo chính quyền, MTTQ, các đoàn thể tuyên truyền vận động nhân dân triển khai biện pháp kỹ thuật gieo trồng mới”, ông Học nói. Năm 2015, lạc Chiêm Hóa được công nhận nhãn hiệu tập thể được giao cho HTX nông lâm nghiệp Phúc Sơn quản lý. Cũng từ sự vào cuộc của HTX nông lâm nghiệp Phúc Sơn, sản phẩm lạc Chiêm Hóa không ngừng vươn xa, thương hiệu lạc Chiêm Hóa được đông đảo người tiêu dùng biết đến. Ông Ma Phúc Giải, Giám đốc HTX Phúc Sơn cho biết, HTX thành lập tháng 10/2011 tại thôn Phia Lài, xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa, Tỉnh Tuyên Quang, vốn điều lệ 1,8 tỷ đồng với tổng số 21 thành viên, hơn 100 ha đất tròng lạc, còn lại là hộ liên kết. Ngành nghề đăng ký kinh doanh: mua, bán nông sản, sơ chế, chế biến nông sản; bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, thức ăn chăn nuôi. Thời gian qua HTX đã chủ động liên kết với người dân để tổ chức sản xuất lạc hàng hóa, đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc trang thiết bị như: lò sấy lạc, máy làm đất... Năm 2020 sản phẩm Lạc củ Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa được đánh giá xếp hạng 3 sao, sản phẩm lạc nhân sếp hạng 4 sao “Kể từ khi được công nhận là OCOP, giá trị lạc của Chiêm Hóa đã tăng lên đáng kể và được nhiều thương lái từ nhiều địa phương tìm đến đặt mua hàng. Cũng từ đây bắt đầu xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh của các thương lái với HTX, dù HTX đã cung ứng phân bón, giống trả chậm cho thành viên và hộ liên kết, nhưng khi thương lái đến thu mua giá cao hơn là người dân lại bán cho các thương lái chứ không bán cho HTX như đã ký kết trước đó”, ông Ma Phúc Giải nói . Hỗ trợ để HTX phát triển Với đa phần là đồng bào dân tộc sinh sống, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, mở rộng liên doanh, liên kết sản phẩm lạc hàng hóa, từ sự chỉ đạo của Liên minh HTX Việt Nam, đầu năm nay, Viện Phát triển kinh tế hợp tác đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang lựa chọn HTX NLN Phúc Sơn để triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị”. Theo đó, Dự án hỗ trợ tư vấn hoàn thiện bộ máy tổ chức hoạt động HTX; hoàn thiện điều lệ; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; xây dựng kế hoạch hoạt động; sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm lạc; xây dựng thương hiệu sản phẩm lạc; ứng dụng thương mại điện tử; tổ chức tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng và chăm sóc lạc, đồng thời tổ chức hội nghị đánh giá tiềm năng sản xuất, tiêu thụ và kết nối cung cầu sản phẩm lạc Chiêm Hóa; tư vấn hỗ trợ vay vốn ưu đãi phát triển cơ sở vật chất HTX; hỗ trợ máy móc trang thiết bị với tổng vốn hỗ trợ 318 triệu đồng. Theo đánh giá của HTX Phúc Sơn, qua một vụ hoạt động, dự án triển khai đã hỗ trợ tích cực cho HTX hoạt động được nâng cao. Phương án sản xuất kinh doanh, định hướng kế hoạch hoạt động có tính khả thi cao, đặc biệt đối với sản phẩm lạc hàng hóa được kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ. Sản phẩm lạc của HTX Phúc Sơn luôn được người tiêu dùng đón nhận bởi chất lượng và an toàn. Không chỉ cơ sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam, HTX Phúc Sơn còn được sự hỗ trợ tích cực của Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang, chính quyền địa phương trong việc xây dựng thương hiệu, hỗ trợ bao bì, nhãn mác, hỗ trợ xây dựng nhà sơ chế, kho bảo quản, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Từ sự nỗ lực vươn lên của HTX, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và Liên minh HTX hai cấp, nên từ đầu năm 2021 đến nay, dù chịu ảnh hưởng nặng nề đại dịch COVID-19 nhưng HTX đã mạnh dạn liên doanh với các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương để chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên do dịch bệnh nên việc tiêu thụ hạn chế. Riêng HTX Phúc Sơn liên kết với HTX Minh Quang tiêu thụ được 100 tấn lạc củ tươi, trong đó chủ yếu cung cấp cho công ty xuất nhập khẩu tại Hải Dương. Số lượng tiêu thụ không nhiều nhưng cũng phần nào giúp thành viên tháo gỡ khó khăn về đầu ra của sản phẩm. Trước những khó khăn xảy ra, các thành viên liên kết đã chủ động tiêu thụ bằng các mỗi quan hệ, các nguồn khác nhau nên vụ đông xuân này, toàn bộ diện tích lạc của HTX đã được tiêu thụ hết. (Nguồn:Vtc.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|