top-banner-2

Doanh nghiệp Thứ ba, 06/08/2024, 10:38 GMT+7
Một ’ông lớn’ ngành dệt may tới nay vẫn ‘trắng’ đơn hàng

Garmex Sài Gòn - từng là ông lớn ngành dệt may - tới nay vẫn chìm trong khó khăn, không có đơn hàng, doanh thu quý 2 chủ yếu đến từ... thanh lý tài sản.

mot-ong-lon-nganh-det-may-toi-nay-van-trang-don-hang

Bên trong nhà máy Garmex Sài Gòn thời điểm còn hoạt động bình thường - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Từng là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dệt may ở TP.HCM với 4.000 nhân sự, doanh thu mỗi năm lên tới hàng nghìn tỉ đồng, Công ty Garmex Saigon tiếp tục chuỗi ngày kinh doanh ảm đạm, 'trắng' đơn hàng, cho nghỉ hết công nhân.

Theo báo cáo tài chính quý 2 vừa được công bố, doanh thu thuần của Garmex Saigon đạt gần 1,5 tỉ đồng. Điều đáng nói, khoản thu này có đến 1,4 tỉ đồng từ mua bán máy thanh lý đã qua sử dụng.

Do không phát sinh doanh thu bán hàng thành phẩm, công ty cũng không ghi nhận chi phí giá vốn hàng bán.

Sau khi trừ đi các chi phí, doanh nghiệp lỗ ròng 484 triệu đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ hơn 12,4 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

6 tháng đầu năm, Garmex Sài Gòn có 1,7 tỉ đồng doanh thu, khoản thu nhập khác tăng 6 tỉ, chủ yếu nhờ lãi tiền gửi ngân hàng và thanh lý tài sản không sử dụng.

Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế giảm lỗ từ 27 tỉ đồng năm 2023 xuống còn 10,6 tỉ đồng.

Lợi nhuận sau thuế đạt 755 triệu đồng trong khi cùng kỳ lỗ 33 tỉ đồng, chủ yếu nhờ khoản thu nhập từ thanh lý tài sản không sử dụng.

Về tương lai của Garmex Sài Gòn, lãnh đạo doanh nghiệp từng cho biết vẫn chưa thể tuyển lại lao động cho ngành truyền thống. Việc có đầu tư khôi phục ngành may hay không sẽ tùy thuộc vào tình hình thị trường.

Thời gian tới, công ty tiếp tục tối ưu hóa nguồn lực hiện có, cắt giảm chi phí, đồng thời tìm kiếm đối tác để thực hiện chuyển nhượng bán tài sản không sử dụng.

Ngành dệt may bắt đầu đối diện với khó khăn từ năm ngoái do tác động chung của tình hình kinh tế thế giới, bất ổn địa chính trị...

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 6 tháng đầu năm tình hình đơn hàng đã khởi sắc song dù đơn hàng có tăng nhưng nỗi lo toàn ngành chưa giảm. 

Theo đó, đơn hàng khởi sắc chủ yếu nhờ chuyển dịch từ các nước khác sang thị trường Việt Nam, còn bản chất thật là tiêu dùng toàn cầu chưa tăng.

Cùng với đó, những tháng cuối năm, ngành dệt may dự báo còn nhiều thách thức bởi ngày càng nhiều thị trường đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc, liên quan tới thẩm định quyền con người, môi trường trong chuỗi cung ứng...

(nguồn: tuoitre.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

hoa-moc-thien

e-banner-wedding-2

hoa-moc-thien-2

E-banner-Dim-Sum-Weekend-01

viettien

metro-sai-gon