Khởi xướng chống phá giá thép Trung Quốc, chỉ 2 doanh nghiệp được lợi? |
Formosa và Hòa Phát đề xuất khởi xướng điều tra chống bán phá giá, bảo vệ sản xuất trong nước, ngược lại Tôn Hoa Sen nói chưa đủ căn cứ điều tra. Khởi xướng điều tra thép Trung Quốc chỉ có lợi cho một số doanh nghiệp Tại văn bản gửi cơ quan chức năng mới đây, ông Vũ Văn Thanh, phó tổng giám đốc thường trực của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, cho biết hai doanh nghiệp sản xuất thép HRC này chiếm tới 80% ngành HRC nội địa, chỉ khoảng 20% còn lại là hàng nhập khẩu của các công ty thương mại. Thép HRC là nguyên liệu thượng nguồn sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác. Bất kỳ diễn biến bất lợi nào xảy ra với nguồn nguyên liệu HRC cũng có thể gây ra ảnh hưởng cực kỳ trầm trọng đến toàn ngành thép. Bởi mỗi năm Việt Nam phải nhập khoảng 8 triệu tấn thép HRC, dư địa thị trường rất lớn, nhưng hiện ngoài Formosa là doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc), đến nay chỉ có Hòa Phát tham gia vào cuộc đua này. Vì vậy, trong trường hợp HRC nhập khẩu từ Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá tại Việt Nam, theo Tôn Hoa Sen chỉ có hai doanh nghiệp trên được hưởng lợi, thậm chí khả năng độc quyền hoàn toàn nguồn cung HRC tại Việt Nam. "Doanh nghiệp này có khả năng tăng giá bán HRC, dẫn đến giá bán thành phẩm tăng tương ứng vì HRC là nguyên liệu đầu vào để sản xuất tôn mạ, ống thép, thép kết cấu và các sản phẩm thép khác”, ông Thanh nêu. Đồng thời, Tôn Hoa Sen nêu ra nhiều lập luận chưa đủ căn cứ khởi xướng chống bán phá giá HRC nhập khẩu. Chẳng hạn về biên độ phá giá, mức độ chênh lệch giữa giá thông thường và giá xuất khẩu của HRC từ Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam. Người tiêu dùng phải là trên hết? Có ba lập luận phản biện được nêu ra, dẫn theo điều 78 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017. Biện pháp chống bán phá giá được áp dụng với hàng hóa nhập khẩu khi thỏa mãn đủ 3 điều kiện. Điều kiện 1: Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá với biên độ bán phá giá được xác định cụ thể. Điều kiện 2: Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây thiệt hại đáng kể. Điều kiện 3: Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá. Theo Tôn Hoa Sen, trên thực tế biên độ phá giá của HRC từ Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam trong suốt năm 2023 rất thấp, chỉ khoảng 1,26%. Theo doanh nghiệp này, biên độ thấp này không thể coi là "bán phá giá" khi không vượt quá 2%. Việc nhập khẩu các sản phẩm HRC không làm sụt giảm sản lượng sản xuất và sản lượng bán hàng sản phẩm này tại Việt Nam, ngược lại sản lượng sản xuất trong nước có xu hướng tăng qua mỗi năm. Chỉ duy nhất năm 2022 sụt giảm nhẹ và đang phục hồi... Trong khi đó, ngày 26-3, lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát cho biết Formosa và Hòa Phát nộp đơn đến Bộ Công Thương yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng HRC có nguồn gốc từ Trung Quốc. Quy trình điều tra chống bán phá giá mất khoảng 12 -18 tháng kể từ ngày Bộ Công Thương ra quyết định khởi xướng điều tra. Doanh nghiệp cung cấp đầy đủ tất cả thông tin phạm vi sản phẩm điều tra, số liệu nhập khẩu và tình hình sản xuất bán hàng nội địa. "Chúng tôi thấy có dấu hiệu bán phá giá nên kiến nghị lên cơ quan nhà nước, mong có sự đánh giá công bằng và chính đáng, làm sao để ngành sản xuất trong nước phát triển. Việc áp thuế hay không phải dựa trên số liệu và các cơ quan nhà nước sẽ đánh giá và quyết định" - lãnh đạo Hòa Phát nêu ý kiến. Nhiều "ông lớn" mở rộng chuỗi sản xuất công nghiệp tại Việt Nam - Ảnh: QUẾ AN Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo một doanh nghiệp thép phía Bắc (đề nghị không nêu tên) cho rằng việc bảo vệ sản xuất trong nước là cần thiết, nhưng cần tính toán rất kỹ giai đoạn nào và tác động ra sao tới người tiêu dùng. Trong trường hợp áp thuế chống bán phá giá, hệ quả ngay lập tức là người tiêu dùng sẽ thiệt, phải mua cùng sản phẩm đó với giá cao hơn do đã bị áp thuế chống bán phá giá. Vì vậy, trách nhiệm của Bộ Công Thương là giải bài toán vì quyền lợi của nhà sản xuất, bảo vệ sản xuất trong nước hay cứ quyền lợi người tiêu dùng là trên hết. "Mọi quyết định đều có cái giá của nó" - vị lãnh đạo doanh nghiệp thép nói. (Nguồn:Vtc.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|