top-banner-2

Cẩm nang Kinh doanh Thứ sáu, 22/12/2023, 11:28 GMT+7
Nhập khẩu chưa phục hồi, thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 9,5 tỉ USD năm 2024

Ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2024 đạt 9,5 tỉ USD trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu chưa có dấu hiệu hồi phục, sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thị trường. 

Năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 9,5 tỉ USD - Ảnh: C.TUỆ

Năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 9,5 tỉ USD - Ảnh: C.TUỆ

Ngày 21-12, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội nghị tổng kết năm 2023 và kế hoạch năm 2024.

Xuất khẩu cả năm đạt 9,2 tỉ USD

Ông Nhữ Văn Cẩn, phó cục trưởng Cục Thủy sản, cho biết bất chấp những khó khăn, ngành thủy sản vẫn vượt nhiều chỉ tiêu trong năm 2023.

Ước tính hết tháng 12, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 9,2 triệu tấn (tăng 2% so với năm 2022). Trong đó, sản lượng khai thác đạt hơn 3,8 triệu tấn, sản lượng nuôi, trồng đạt hơn 5,4 triệu tấn.

Tuy nhiên, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 9,2 tỉ USD, kém 0,8 tỉ USD so với kế hoạch đề ra 10 tỉ USD. 

Ông Cẩn cho biết năm 2024 tiếp tục có nhiều khó khăn, nhất là việc EC duy trì giữ cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. 

Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu chưa có dấu hiệu hồi phục, sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thị trường và lượng tồn kho của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Do vậy, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản khoảng 9,22 triệu tấn, tương đương năm nay. Trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,54 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng 5,68 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 9,5 tỉ USD.

Chế biến tôm ở Bạc Liêu - Ảnh: CHÍ QUỐC

Chế biến tôm ở Bạc Liêu - Ảnh: CHÍ QUỐC

Xuất khẩu tôm, cá: sản lượng nhiều mà giá trị ít

Ông Dương Long Trì, phó tổng thư ký Hội Thủy sản Việt Nam, cho rằng những kết quả của ngành thủy sản rất đáng mừng, từ tôm và cá tra đều tăng về sản lượng, nhưng nếu tăng sản lượng mãi cũng khó.

"Đến nay, sản lượng tôm nuôi khoảng 1,1 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu vẫn chỉ dao động từ 3,5 - 4 tỉ USD, từ trước có 700.000 tấn cũng đạt giá trị tương đương. Vì vậy, cần xem xét giải pháp sơ chế, chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm chủ lực nhằm nâng cao kim ngạch xuất khẩu" - ông Trì đặt vấn đề.

Ông Trần Đình Luân nhấn mạnh năm tới phải tiếp tục tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi và chuỗi ngang.

"Ngoài yêu cầu về giảm phát thải, tăng trưởng xanh thì phúc lợi động vật cũng là vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thời gian tới. Đây không chỉ là nhu cầu của thị trường trong nước mà còn là xu hướng thị trường tiêu dùng thế giới thời gian tới" - ông Luân nói.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành thủy sản năm tới cần rà soát lại khâu giống, đây là yếu tố quyết định đến năng suất, chất lượng, nhất là giống tôm, cá tra. Thứ hai, thức ăn dinh dưỡng, cần phải rà soát và đề nghị doanh nghiệp tham gia, phối hợp cùng với chuỗi theo phương châm "rủi ro chia sẻ, lợi ích hài hòa".

(Nguồn: Tuoitre.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql

hoa-moc-thien

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau

metro-sai-gon